top of page

LỚP HỌC CỦA EM

CẢM NHẬN CỦA EM VỀ MÔ HÌNH TRƯỜNG HỌC MỚI

Năm học 2015-2016 được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, Trường THCS Phổ Minh chúng em vinh dự được học theo mô hình của trường  học mới, Niềm phấn khởi thứ nhất mà em thấy được đó là chúng em được thể hiện tài năng để góp phần vào việc trang trí lớp học sao cho thật đẹp, thật phù hợp với lứa tuổi chúng em,giúp em hứng thú học tập, giảm bớt những căng thẳng mệt mỏi trong học tập. Em thấy bạn nào cũng trang trí đẹp hết và trình bày một cách rất sáng tạo.

Niềm vui thứ hai là quản lý lớp học là “Hội đồng tự quản học sinh”, các Ban trong lớp do chúng em tự nguyện xung phong và được các bạn tín nhiệm bầu lên. Việc bầu ra “Hội đồng tự quản học sinh” là biện pháp giúp chúng em được phát huy mỗi người một nhiệm vụ, Từ đó chúng em sẽ cố gắng học tốt hơn vì được học theo mô hình của trường  học mới.

Điều đặc biệt hơn cả ở mô hình này là trong lớp học cũng đã hình thành những hoạt động gần gũi với nhau như: Góc Chia sẻ, Góc Sinh nhật, Góc Điều em muốn nói, những lời yêu thương…từ những lời tâm sự qua hộp  thư sẽ trở thành những kỉ niệm khó quên, in đậm mãi trong tâm hồn của em.Thông qua những góc hoạt động này, chúng em dễ dàng gần gũi với các bạn hơn và cô giáo hơn.

          Niềm phấn khởi dễ nhận thấy ở một tiết học của Mô hình Trường học mới, đó là không khí học tập rất sôi nổi, vui nhộn, trong quá trình học tập, nếu vấn đề nào không hiểu,  em sẽ yêu cầu được sự trợ giúp từ cô giáo. Với chúng em thì đây là một trò chơi vui  vô cùng hứng thú, hiệu quả, các em không ngại ngần khi tìm hiểu nội dung trong bài học của mình.

Điều quan trọng nhất vẫn là tấm lòng tâm huyết của cô giáo, lòng yêu thương học sinh, giúp các em có động lực để học tập tốt. Các em rất tự nhiên, mạnh dạn điều khiển nhóm học tập, tranh luận, nêu vấn đề và biết cách giải quyết vấn đề, biết nêu yêu cầu đề xuất với cô giáo, biết tự đánh giá mình, đánh giá bạn.

 

                                      Huỳnh Thị Mai Trúc 6A

 

 

 

 

 

SINH NHẬT HỒNG VÀ BIỂU ĐỒ NGÀY EM ĐẾN LỚP

HỘI ĐỒNG TỰ QUẢN LỚP

ĐIỀU EM MUỐN NÓI - THỜI KHÓA BIỂU LỚP

GIỜ HỌC CỦA EM

GÓC GIÁO VIÊN

 

TRƯỜNG HỌC MỚI VỚI GIỜ HỌC VĂN

    Có lẽ trong suốt quãng đời làm giáo viên của mỗi một nhà giáo ai  cũng muốn dìu dắt, uốn nắn, chỉ dạy cho học sinh của mình ngoài vốn  tri thức của nhân loại đế các em có một tương lai tươi sáng  vững bước vào đời. Mỗi thầy cô giáo luôn là tấm gương sáng về đạo đức tác phong để các em noi theo học sinh.  Chúng ta dạy các em biết chữ , dạy cho các em biết thế nào là điều hay, lẽ phải trên đời, biết đối nhân xử thế. Đối với các em học sinh đang tuổi cắp sách đến trường thì chúng ta như những người cha, ngời mẹ thứ hai  của các em. Đúng vậy, mỗi sự thành công của các em là niềm vui to lớn như động viên, khích lệ thầy cô giáo càng thêm yêu nghề của mình . Bên cạnh đó có được sự quan tâm, niềm tin và sự kỳ vọng rất lớn của Đảng  của Nhà Nước giành cho ngành, mỗi thầy cô giáo chúng tôi tự hứa sẽ cố gắng hết sức mình trong công cuộc xây dựng sự nghiệp giáo dục nước nhà . Năm học 2015 - 2016, trường trung học cơ sở Phổ Minh chúng tôi mới bước đầu áp dụng phương pháp dạy học theo mô hình mới. Là một giáo viên trẻ trực tiếp giảng dạy bộ môn Ngữ Văn cho học sinh lớp 6 theo mô hình trường học mới ban đầu tôi cảm thấy bỡ ngỡ vì mô hình này là mới mẻđối với học sinh do các em chưa được học dưới bậc Tiểu học hơn nữa mô hình này cũng chưa được áp dụng đại trà cả nước và nó có sự khác biệt so với mô hình giáo dục theo phương pháp truyền thống nhưng không phải vì chút khó khăn, trở ngại  ban đầu mà đội ngũ giáo viên chúng tôi nản chí. Với phương châm vừa dạy vừa học hỏi rút kinh nghiệm qua từng tiết dạy, buổi dạy và vì muốn đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình vào sự nghiệp “đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo” của huyện nhà đến nay chúng tôi cũng đã mạnh dạn đổi mới phương pháp dạy và học  và cũng  yên tâm hơn phần nào về hoạt động học tập cũng như chất lượng học sinh.

    Trong chương trình bộ môn Ngữ Văn 6 theo mô hình trường học mới hoạt động học của học sinh là trung tâm của quá trình dạy học, học sinh là chủ thể trong việc tiếp thu kiến thức, hình thành kỹ năng và năng lực; giáo viên trở thành người tổ chức , hướng dẫn các hoạt động học của học sinh , quan sát hoạt động của mỗi cá nhân, của mỗi nhóm, hỗ trợ học sinh khi cần thiết, chốt lại những điều cơ bản nhất của bài học, đánh giá quá trình và kết quả học tập của học sinh.

    Ở các tiết dạy Ngữ Văn theo mô hình trường học mới nhờ đó cũng đã thay đổi căn bản.  Trong mô hình trường học mới , nhóm là đơn vị học tập cơ bản.

    Nhóm trưởng sẽ thay mặt giáo viên điều hành các thành viên trong nhóm :tự giác, tích cực hoạt động, tự quản, tự học, tự tìm tòi, khám phá phát hiện kiến thức mới theo hướng dẫn của sách. Theo tôi học theo mô hình này đối với bộ môn Ngữ Văn sẽ phát huy được tất cả tính tích cực, chủ động , tinh thần hợp tác sẻ chia trong nhóm. Học sinh được rèn luyện cách học, cách tư duy. Học sinh được tự học, hoạt động, trải nghiệm hợp tác, từ đó có được năng lực mới: năng lực thực hành, vận dụng , tính tích hợp và tăng khả năng phát triển ngôn ngữ của học sinh thông qua các hoạt động học tập. Khi dạy học theo mô hình trường học mới , bản thân tôi luôn nhận thức đúng đắn và tân huyết trong việc thực hiện theo dự án này sẵn sang trao đổi những vướng mắc về nội dung kiến thức hay phương pháp tổ chức các hoạt động cho phù hợp cũng như sự tiến bộ của học sinh…để đào tạo con người thích ứng với yêu cầu xã hội hiện đại.

      Đối với học sinh của trường THCS Phổ Minh sau hơn ba tháng áp dụng mô hình trường học mới ở bộ môn Ngữ Văn  các em học sinh đã có phần dạn dĩ , chủ động triển khai hoạt động học tập, các em được rèn luyện kỹ năng trình bày vấn đề trước đám đông nên tự tin trong ứng xử và khi ra ngoài đời, hình thành năng lực hợp tác, vận dụng kiến thức vào cuộc sống thực tế sau này. Ngoài ra do hoạt động học tập chủ yếu diễn ra ở nhóm các em sẽ có dịp hỗ trợ, tư vấn cho nhau, góp ý cho nhau để cùng tiến bộ, có tinh thần trách nhiệm cao, có ý thức chia sẻ, hợp tác tốt.

    Bản thân tôi luôn tin tưởng rằng với sự mạnh dạn đổi mới toàn diện trong hệ thống giáo dục như hôm nay, nước ta sẽ có ngày càng nhiều thế hệ người Việt vừa có tài vừa có đức sẵn sàng đáp ứng đầy đủ hơn cho nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước.

     Với phương châm :”Tất cả vì học sinh thân yêu!”, bản thân tôi luôn nguyện sẽ phân đấu cố gắng  hết mình đem hết tâm huyết được kết tinh từ tấm lòng , tình người  vì sự nghiệp trồng người thiêng liêng và cao quý mà Đảng , Nhà Nước và Nhân dân tin tưởng và giao phó để  hướng các em đến những ước mỏ và khát vọng; những giá trị nhân văn của cái Chân, Thiện, Mĩ; hướng các em đến những nấc thang mới trong cuộc đời bằng chính đôi cánh của các em, rút dần cái khoảng cách giữa thầy và trò để xây dựng một môi trường thân thiện. Đội ngũ nhà giáo của trường THCS Phổ Minh còn rất trẻ. Đội ngũ ấy với sức sống thanh xuân, lòng nhiệt tình và yêu nghề, yêu trẻ của mình đang từng ngày, từng giờ không ngừng phấn đấu trau dồi về chuyên môn nghiệp vụ, trau dồi về đạo đức, lối sống, không ngừng nêu cao tấm gương đạo đức về tự học tự rèn luyện để giáo dục học sinh.  Mỗi thầy cô giáo tuy quê quán, gốc tích khác nhau, là người của muôn phương nhưng tất cả đều chung một tiếng nói, chung một tiếng lòng, chung một hướng đi: góp sức lực nhỏ bé của mình vào việc xây dựng quê hương Đức Phổ ngày càng giàu đẹp xứng đáng với truyền thống hiếu học của quê hương. Hy vọng rằng với đà đang từng bước cai cách , đổ mới giáo dục một cách toàn diện giáo dục Việt Nam sẽ phát triển góp phần đưa vị thế người Việt ngày càng  vững chắc hơn trên con đường hội nhập và phát triển quốc tế.

                                                               

                                                                                                                                              Cô giáo Nguyễn Thị Ánh Hoa

    

 

 

PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC THEO MÔ HÌNH TRƯỜNG HỌC MỚI

 

       Trong xã hội đang biến đổi nhanh, với sự bùng nổ thông tin, khoa học và công nghệ phát triển như vũ bão. Đất nước ta trong thời kì mở cửa , hội nhập và phát triển, công cuộc đổi mới kinh tế xã hội đang diễn ra từng ngày, từng giờ trên khắp đất nước đòi hỏi phải có những lớp người lao động mới, có bản lĩnh, có năng lực, chủ động sáng tạo. Dám nghĩ dám làm thích ứng được với thực tiễn xã hội luôn thay đổi . Nhu cầu này đòi hỏi ngành giáo dục phải có sự thay đổi cho phù hợp với tình hình đất nước.

        Mục tiêu giáo dục là đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức khỏe, thẩm mỹ, hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực của công dân, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

       Từ năm học 2011-2012, Bộ Giáo và đào tạo triển khai mô hình trường học mới đối với cấp Tiểu học. Qua ba năm triển khai ở cấp Tiểu học đã khẳng định trường học mới là một kiểu mô hình nhà trường hiện đại, tiên tiến, phù hợp với mục tiêu đổi mới và đặc điểm của giáo dục Việt Nam. Đến năm 2014-2015 đã có 1447 trường tiểu học trên phạm vi toàn quốc có học sinh hết lớp 5 theo mô hình trường học này. Năm 2015-2016, cả nước có trên 3700 trường triển khai áp dụng mô hình này. Hiện nay đã có hơn 1600 trường THCS đăng kí tham gia triển khai mô hình trường học mới đối với lớp 6 năm học 2015-2016.

         Để thực hiện tốt mô hình trường học mới này mỗi giáo viên chúng ta phải đổi mới phương pháp dạy học cho phù hợp.

Dạy học theo mô hình theo mô hình trường học mới xem việc rèn luyện phương pháp học tập cho học sinh không chỉ là một biện pháp nâng cao hiệu quả dạy học mà còn là một mục tiêu dạy học.

       GD&TĐ - Phương pháp dạy học theo mô hình trường học mới là cách dạy hướng tới việc học tập chủ động, đòi hỏi phát huy tính tích cực của cả người dạy và người học. Thực chất phương pháp này đòi hỏi người dạy phải phát huy tính tích cực chủ động của người học.

Giáo viên phải là người phát huy tính tích cực, chủ động học tập của học sinh.

       Dạy học thông qua tổ chức các hoạt động của học sinh:

Nhân cách của trẻ được hình thành và phát triển thông qua các hoạt động chủ động, thông qua các hành động có ý thức. Trí tuệ của trẻ được phát triển nhờ sự “đối thoại” giữa chủ thể với đối tượng và môi trường.

        Trong mô hình trương học mới, học sinh – chủ thể của hoạt động học tập do giáo viên tổ chức và chỉ đạo, thông qua đó tự lực khám phá những điều mình chưa biết chứ không phải là thụ động tiếp thu những tri thức đã được sắp đặt sẵn.

Được đặt vào những tình huống của đời sống thực tế, học sinh trực tiếp quan sát, làm thí nghiệm, thảo luận, giải quyết vấn đề đặt ra theo suy nghĩ cá nhân, từ đó vừa nắm được kiến thức mới, kĩ năng mới vừa được bộc lộ và phát huy tiềm năng sáng tạo của mình.

Tăng cường học tập cá thể, phối hợp với học tập hợp tác

      Trong phương pháp học tập hợp tác vẫn có giao tiếp thầy - trò nhưng nổi lên mối quan hệ trò - trò. Thông qua sự hợp tác tìm tòi nghiên cứu, thảo luận, tranh luận trong tập thể, ý kiến của mỗi cá nhân được bộc lộ, được điều chỉnh khẳng định hay bác bỏ, qua đó người học nâng mình lên một trình độ mới, bài học vận dụng được vốn hiểu biết và kinh nghiệm của mỗi cá nhân và cả lớp.

Trong học tập, không phải mọi tri thức, kĩ năng, thái độ đều được hình thành bằng những hoạt động thuần túy cá nhân. Lớp học là môi trường giao tiếp thầy- trò, trò - trò, tạo nên mối quan hệ hợp tác giữa các cá nhân trên con đường đi tới những tri thức mới.

        Việc học tập hợp tác được tổ chức ở cấp nhóm, tổ, lớp nhưng được sử dụng phổ biến nhất trong dạy học là hoạt động hợp tác trong nhóm nhỏ 4 đến 6 người.

       Hoạt động trong tập thể nhóm sẽ làm cho từng thành viên được bộc lộ suy nghĩ, hiểu biết thái độ của mình, qua đó được tập thể uốn nắn, điều chỉnh, phát triển tình bạn, ý thức tổ chức kỉ luật, tinh thần tuơng trợ, ý thức cộng đồng.

       Hoạt động trong tập thể nhóm, tập thể lớp sẽ làm cho từng thành viên quen dần với sự phân công hợp tác trong lao động xã hội, hiệu quả học tập sẽ tăng lên nhất là phải giải quyết những vấn đề gay cấn, lúc xuất hiện nhu cầu phối hợp giữa các cá nhân để hoàn thành một nhiệm vụ xác định.

Trong hoạt động hợp tác, mục tiêu hoạt động là chung của toàn nhóm nhưng mỗi cá nhân được phân công một nhiệm vụ cụ thể. Trong nhóm nhỏ, mỗi cá nhân đều phải nỗ lực, không thể ỷ lại vào người khác, toàn nhóm phải phối hợp với nhau để cuối cùng đạt mục tiêu chung.

      Kết quả làm việc của từng nhóm được trình bày thảo luận trước lớp sẽ tạo một không khí thi đua giữa các nhóm, đóng góp tích cực vào kết quả chung của bài học.

      Mô hình trường học mới Việt Nam đưa vào đời sống học đường có tác dụng chuẩn bị cho học sinh thích ứng với đời sống xã hội, trong đó mỗi người sống và làm việc theo sự phân công hợp tác với tập thể cộng đồng.

     Trong xu hướng toàn cầu hóa, xuất hiện nhu cầu hợp tác xuyên quốc gia, liên quốc gia thì năng lực hợp tác thực sự trở thành một mục tiêu đào tạo của giáo dục nhà trường.

      Kết hợp đánh giá của thầy với tự đánh giá của trò

     Trong mô hình trường học mới, việc rèn luyện phương pháp học để chuẩn bị cho học sinh khả năng học tập liên tục, suốt đời được xem như một mục tiêu giáo dục thì giáo viên phải hướng dẫn học sinh phát triển khả năng tự đánh giá để tự điều chỉnh cách học.

     Liên quan tới điều này, giáo viên phải tạo điều kiện để học sinh tham gia đánh giá lẫn nhau. Việc học sinh tham gia đánh giá lẫn nhau sẽ có tác dụng tích cực để học sinh tự học và điều chỉnh bản thân.

     Theo hướng phát triển của mô hình trường học mới là để đào tạo ra những con người năng động, sớm thích ứng với đời sống xã hội, hòa nhập và góp phần phát triển cộng đồng thì việc kiểm tra phải khuyến khích trí thông minh, sáng tạo, phát hiện sự chuyển biến thái độ và xu hướng hành vi của học sinh trước những vấn đề của đời sống cá nhân, gia đình và cộng đồng; rèn luyện cho các em khả năng phát hiện và vận dụng giải quyết các vấn đề nảy sinh trong các tình huống thực tế. Việc đổi mới kiểm tra đánh giá sẽ có tác dụng thúc đẩy sự đổi mới phương pháp dạy học.

CẤU TRÚC MỘT BÀI HỌC CỦA MÔ HÌNH TRƯƠNG HỌC MỚI:

A. HOẠT ĐỘNG KHỞI ĐỘNG

Cách làm:

- Đặt câu hỏi; đố vui; kể chuyện; đặt một tình huống; tổ chức trò chơi… Có thể thực hiện với toàn lớp, nhóm nhỏ, hoặc cá nhân từng học sinh.

- Tổ chức các hình thức trải nghiệm gần gũi với học sinh. Nếu là tình huống diễn tả bằng lời văn, thì câu văn phải đơn giản, gần gũi với học sinh.

B. HOẠT ĐỘNG HÌNH THÀNH KIẾN THỨC

Cách làm :

- Dùng các câu hỏi gợi mở, câu hỏi phân tích, đánh giá để giúp học sinh thực hiện tiến trình phân tích và rút ra bài học. 

- Có thể sử dụng các hình thức thảo luận cặp đôi, thảo luận theo nhóm, hoặc các hình thức sáng tạo khác nhằm kích thích trí tò mò, sự ham thích tìm tòi, khám phá phát hiện của học sinh...

- Nên soạn những câu hỏi thích hợp giúp học sinh đi vào tiến trình phân tích thuận lợi và hiệu quả.

C. HOẠT ĐỘNG THỰC HÀNH

Cách làm :

- Thông qua việc giải những bài tập rất cơ bản để học sinh rèn luyện việc nhận dạng, áp dụng các bước giải và công thức cơ bản. Giáo viên quan sát giúp học sinh nhận ra khó khăn của mình, nhấn mạnh lại quy tắc, thao tác, cách thực hiện.

- Tiếp tục ra các bài tập với mức độ khó dần lên phù hợp với khả năng của học sinh. Giáo viên tiếp tục giúp các em giải quyết khó khăn bằng cách liên hệ lại với các quy tắc, công thức, cách làm, thao tác cơ bản đã rút ra ở trên.

- Có thể giao bài tập áp dụng cho cả lớp, cho từng cá nhân, hoặc theo nhóm, theo cặp đôi, theo bàn, theo tổ học sinh.

D. HOẠT ĐỘNG ỨNG DỤNG

Cách làm :

- Học sinh thực hành, vận dụng từng phần, từng đơn vị kiến thức cơ bản của nội dung bài đã học.

- Giáo viên giúp học sinh thấy được ý nghĩa thực tế của các tri thức toán học, từ đó khắc sâu kiến thức đã học.

- Khuyến khích học sinh diễn đạt theo ngôn ngữ, cách hiểu của chính các em. Khuyến khích học sinh tập phát biểu, tập diễn đạt bước đầu có lí lẽ, có lập luận.

E. HOẠT ĐỘNG TÌM TÒI, MỞ RỘNG

- Khuyến khích học sinh tiếp tục tìm hiểu và mở rộng kiến thức, để không bao giờ được hài lòng và hiểu rằng ngoài những kiến thức được học trong nhà trường còn rất nhiều điều cần phải tiếp tục học.

- Giao cho học sinh những nhiệm vụ bổ sung và hướng học sinh tìm các nguồn tài liệu khác để mở rộng kiến thức đã học, cung cấp cho học sinh các nguồn sách tham khảo và nguồn tài liệu trên mạng.

- Hướng dẫn học sinh thực hiện nhiệm vụ theo nhóm, đồng thời yêu cầu học sinh làm các bài tập đánh giá năng lực.

   Mỗi bài học trong sách hướng dẫn học được thiết kế thành một chuỗi các hoạt động học liên tiếp nhau (5 hoạt động như nêu trên) tuy nhiên tùy theo kiểu bài, đôi khi cũng có kết hợp B&C hoặc C&D hoặc D&E. Mỗi hoạt động đều phải thực hiện qua các bước sau:

1- Chuyển giao nhiệm vụ học tập;

2- Thực hiện nhiệm vụ học tập;

3- Báo cáo kết quả và thảo luận;

 4- Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập.

         Tóm lại, trong phương pháp dạy học theo mô hình trường học mới, người được giáo dục trở thành người tự giáo dục, là nhân vật tự giác, chủ động có ý thức về sự giáo dục bản thân mình.

Trong phương pháp học thì cốt lõi là phương pháp tự học. Phương pháp tự học là cầu nối giữa học tập và nghiên cứu khoa học. Nếu rèn luyện cho học sinh có được phương pháp, kĩ năng, thói quen tự học, biết vận dụng linh hoạt những điều đã học vào những tình huống mới, biết tự lực phát hiện, đặt ra và giải quyết những vấn đề gặp phải trong thực tiễn thì sẽ tạo cho các em lòng ham học, khơi dậy tiềm năng vốn có của các em. Vì những lẽ đó, mô hình trường học mới  nhấn mạnh dạy phương pháp học trong quá trình dạy học, cố gắng tạo ra sự chuyển biến từ học tập thụ động sang tự học chủ động.

                                                                                                                                                                     

                                                                                                                                                                      Cô giáo Nguyễn Thị Phúc

 

 

Thiết kế: Giáo dục xã Phổ Minh

  • Facebook Clean Grey
  • Twitter Clean Grey
  • Instagram Clean Grey
  • YouTube Clean Grey

c2phominh.pgdducpho.edu.vn

Tel : 0553 859 112

© 2015, Phổ Minh - Đức Phổ - Quảng Ngãi

bottom of page